Ông Hoàng, trưởng tộc họ Trần Văn, cho mời ông Quản đến xem ngày giờ khâm liệm, chôn cất cho thằng Bo. Chẳng cứ gì ông Hoàng, cả cái làng Đồng Tiến này đều thế. Mọi việc trong làng từ khởi công, cất nóc, khánh thành đến chuyện mồ mả, tâm linh đều một tay ông Quản lo liệu. Ông Quản hơn 60 tuổi, thuộc dòng họ Nguyễn, có đến mấy đời làm nghề thầy pháp. Ông đọc thông viết thạo chữ Tàu, thông thuộc bùa chú tướng số nên được nhiều người nể trọng, xem ông như bậc thánh sống trong làng.
Đứng ngắm nghía thằng Bo nằm sóng sượt, cứng như khúc gỗ trên cái giường nhỏ, ông Quản nói nhỏ:
- Không ổn. Không ổn rồi cụ Hoàng ạ
. Ông Hoàng vội hỏi:
- Nghĩa là làm sao hả cụ?
.Nhấp một ngụm trà đặc, ông Quản ngập ngừng nói:
- Theo tướng pháp chỉ rất rõ nó là…nó là...đứa con ranh con lộn. Có thể kiếp trước hoặc kiếp này chị Mận với nó có mâu thuẫn rất gay gắt. Nó đầu thai vào nhà chị Mận để trả thù, để đòi nợ. Đúng là oan gia trái chủ. Và có thể nó còn lộn vào nhiều kiếp nữa nếu chị Mận tiếp tục sinh đẻ
Ông Hoàng hốt hoảng hỏi:
- Vậy cụ có cách gì cứu vợ chồng nó không?
Ông Quản nói:
Những linh hồn c.hết trẻ gặp đúng giờ độc thường rất thiêng. Bọn này hung dữ và tàn nhẫn lắm, chẳng biết phải trái, cứ thích là chúng làm thôi. Tôi không đủ tài để trị chúng. Nhưng tôi sẽ giới thiệu cho một người cao tay hơn tôi
Ông Hoàng như người c.hết đuối vớ được cọc:
- Vâng vâng, xin cụ hết sức giúp cho
Trở lại chuyện cái đêm kinh hoàng của chị Mận. Nghe tiếng lợn kêu và tiếng trẻ ngoài sân, Chị Mận vùng dậy lao ra. Thoạt đầu tưởng mình hoa mắt, Mận đưa tay lên dụi mắt mấy cái và nhìn lại. Dưới ánh trăng đỏ sậm mầu máu chụp xuống trần gian. Cái mầu đỏ đến rợn người đó như muốn nuốt chửng ngôi nhà vợ chồng Mận đang ở. Trên cái sân rộng được nện bằng đất để phơi thóc hiển hiện những con lợn F1 trắng lốp phá chuồng tự khi nào đang chạy quanh sân. Trên lưng mỗi con là một hài nhi trần như nhộng. Đứa nào trên tay cũng cầm một cái que nhỏ, tay còn lại nắm chặt tai lợn như các chiến binh cổ xưa vung kiếm xông ra chiến trường. Đàn lợn lúc vật vờ lúc như điên như dại, hơi thở hổn hển tỏa ra nồng nặc mùi hôi tanh đến lợm giọng. Lúc chúng lại xếp thành vòng tròn, khi chạy nối nhau thành hàng một, khi lại xếp thành hình thù kỳ dị dưới sự điều khiển khéo léo của lũ hài nhi. Chúng hét to:
- Hãy trả mạng cho ta. Hãy trả mạng cho ta
Từ miệng chúng phả ra từng luồng gió mạnh tê buốt. Thỉnh thoảng chúng lại cất lên một điệu cười ghê rợn như người ta cạo tinh nứa.
Mận kinh hồn bạt vía. Bao nhiêu nghị lực, bao nhiêu can đảm trong Mận tan biến sạch. Sống lưng chị lạnh toát. Chân tay Mận tê cứng, miệng há to không thể ngậm lại được. Tim chị như ngưng đập. Ngoài vườn tiếng chim cú kêu lên từng hồi man dại. Một gương mặt hài nhi kề sát mặt Mận. Nó nhe cặp lợi đỏ lòm chưa mọc cái răng nào. Từ miệng nó chảy ra một chất dịch đỏ như máu. Mùi hôi tanh nồng nặc khiến Mận choáng váng. Cặp mắt lồi ra quá cỡ của chúng nhìn chị trừng trừng đầy máu lạnh như muốn ăn tươi nuốt sống. Chị ngã bật ngửa về phía sau, thét lên thất thanh: “Ma... Ma …Cứu...cứu...”. Trước khi ngất đi Mận vẫn còn kịp nghĩ: “Phải bán thôi, phải bán ngay lũ lợn ma quỷ này thôi”. Từ lúc thấy vợ ngồi dậy, anh Tông nghĩ vợ đi vệ sinh. Rồi lại thấy vợ tự nhiên ngã lăn ra đất, anh ngỡ bị cảm vội bế vào giường cạo gió, đánh cảm.
Trời vừa hửng sáng Mận đã gọi ngay người vào bán. Chị sợ lắm rồi, không thể để lũ lợn ma này thêm một ngày nào nữa. Người mua đến hỏi:
- Cô bán hết hả? Giá bao nhiêu?
Mận chưa kịp đáp lời, lũ lợn trong chuồng đồng loạt lồng lên. Mắt con nào con nấy đỏ ngầu. Chúng chạy quanh chuồng gầm gừ hung dữ như đàn sói rừng. Người mua sợ quá bảo:
- Thôi để đến chiều chị tới xem lại nhé
Mận bước hẳn vào chuồng xoa đầu từng con lợn, thủ thỉ như nói với những đứa trẻ:
- Ngoan nào ỉn của mẹ ơi. Hiện nay mẹ rất bận không có thời gian chăm sóc các con. Hai nhà cũng gần nhau. Lúc nào rỗi mẹ sẽ sang thăm
Lũ lợn đứng im lặng cúi đầu tỏ vẻ buồn bã. Có con còn chảy nước mắt. Con đầu đàn lấy cái bụng to kềnh cọ cọ vào chân Mận ra chiều nhận lỗi. Mận vỗ nhẹ vào lưng nó:
- Chị ỉn nhớ bảo ban các em nhé. Đừng như ban sáng mẹ sợ lắm
Con đầu đàn hộc lên một tiếng rồi nằm phủ phục. Tưởng thế là ổn. Ai ngờ buổi chiều người mua vừa đến, đàn lợn đứng lên bằng hai chân sau, hai chân trước chắp lại như người vái lạy. Người mua lợn khiếp đảm chuồn thẳng.
Tối hôm ấy Mận kể lại cho chồng nghe đồng thời kể luôn chuyện cách nuôi lợn của mình từ nhiều năm nay. Rồi Mận kết luận:
- Chúng nó không còn là lợn nữa mà là bị những vong hài nhi nhập vào”
Anh Tông cười phá lên, bảo:
- Mình là người có đạo mà sao em vẫn tin vào chuyện ma quỷ. C.hết là hết
Mận khóc van vỉ:
- Anh hãy tin em và tìm cách cứu em. Nếu cứ thế này em c.hết mất.
Anh Tông hỏi:
- Theo em ta phải làm thế nào?
Mận nói:
- Phải vứt chúng vào rừng, càng xa càng tốt
.Anh Tông tiếc của hỏi:
- Sao không làm thịt mà bán, của một đống tiền chứ ít đâu
Mận xua tay:
- Không được, không được. Đó là những vong linh hài nhi nhập vào. Anh hãy nghe em một lần
Nói rồi Mận đứng lên sửa soạn một cái lễ khá thịnh soạn. Tuy không bằng lòng với cách xử lý của vợ mang tính mê tín quá. Nhưng vì quá yêu chiều vợ nên anh Tông đành làm theo.
Sớm hôm sau trời còn tối mò mò Mận bưng lễ ra tận cửa chuồng lợn, quỳ xuống khấn: “Tôi có mắt như mù dại dột chạm phải oai linh. Tôi biết tội của mình rồi. Nay xin rước các người đi cho”. Đàn lợn ve vẩy cái đuôi tỏ ra vui mừng. Mận gieo hai đồng chinh cổ ba lần đều được một sấp một ngửa biết là đàn lợn đã đồng ý. Hai vợ chồng mở cửa chuồng lùa chúng đi sâu vào rừng. Đến đầu giờ chiều thì dừng lại. Tính ra vợ chồng Mận đã đi được năm tiếng đồng hồ, quãng đường cũng phải mươi mười lăm cây số. Mận quỳ xuống khấn thần linh thổ địa nơi đây chấp nhận đàn lợn. Xong xuôi Mận cho lợn ăn rồi hai vợ chồng lẳng lặng ra về.
Về đến nhà trời đã tối mịt tối mò, hai vợ chồng sấp ngửa nấu cơm và yên tâm đàn lợn sẽ ở lại với rừng. Vừa bưng bát cơm lên miệng, chợt Mận nghe tiếng lợn réo như bị chọc tiết. Nghĩ mình còn bị ám ảnh nhưng chị vẫn đặt bát cơm xuống chạy ra chuồng lợn. Chị kinh hoàng khi đàn lợn đã về chuồng đầy đủ từ khi nào không rõ. Mận thét lên: “Anh ơi…ơi”. Anh Tông bỏ vội bát cơm chạy ào ra. Trước mắt anh, đàn lợn đứng hết cả lên, hai chân trước vỗ vào nhau như người ta hoan hô. Chị Mận ngồi thụp xuống ôm ngực, nôn thốc tháo. Đến lúc này anh Tông mới tin những diều vợ nói.
Và cũng từ đêm ấy đàn lợn không ở trong chuồng nữa. Chúng đi đâu không rõ. Có người nhìn thấy hằng đêm chúng xuất hiện nơi gốc gạo. Người ta đồn rằng đàn lợn ma quái cùng những vong hài nhi đã được vong cô Hương thu nạp.
Cũng từ đêm đó chị Mận tinh thần hoảng loạn, khi khóc khi cười. Cặp mắt lá dăm bình thường rất đẹp của Mận đảo qua đảo lại liên tục. Mận sợ ánh sáng, thích ngồi im lặng trong phòng tối. Hễ đặt lưng xuống giường là gặp toàn ác mộng. Anh Tông đưa vợ lên bệnh viện tỉnh. Vì là người của ngành y nên các bác sĩ khám rất cẩn thận. Sau hai ngày hết soi, chiếu đến nghe, gõ họ kết luận: “Chị Mận hoàn toàn khỏe mạnh”. Cuối cùng họ đưa Mận sang gặp bác sĩ Huấn.
Bác sĩ Huấn 57 tuổi, tuy là người tây học nhưng ông lại rất say mê nghiên cứu về phân tâm bệnh. Ông hiểu biết về tâm linh phương đông sâu sắc. Hễ nghe ở đâu xảy ra bất cứ điều gì liên quan đến tâm linh là dứt khoát ông dành thời gian đến tìm hiểu, nghiên cứu. Ông chìa tay thân mật bắt tay Mận:
- Chào đồng nghiệp
Mận vừa thò tay ra chưa kịp bắt đã vội rút tay về giấu vào sau vạt áo vẻ sợ sệt. Người chị co rúm lại. Ông Huấn nhẹ nhàng:
- Đừng sợ.
Rồi ông chỉ cái ghế đối diện mời Mận ngồi. Anh Tông hỏi nhỏ:
- Bệnh của nhà tôi có chữa khỏi được không ạ? Thưa bác sĩ
Ông Huấn động viên:
- Cô ấy bị sang chấn tâm lý rất nặng. Cứ để cô ấy ở đây cho yên tĩnh. Chỉ khi nào cô ấy bình tĩnh, vùng tâm thức không bị khuấy động bởi những tác động ngoại cảnh thì mới có thể nói được. Tôi sẽ cố gắng. Anh yên tâm, cô Mận còn là đồng nghiệp của chúng tôi. Có phải vậy không đồng chí Mận?.
Mận nhoẻn miệng cười. Nụ cười của người hoàn toàn không mắc bệnh gì hết.
Ba tháng sau Mận khỏi bệnh và đi làm trở lại. Nhưng hôm nay chị lại mất tích một cách khó hiểu.
Mới chiều muộn hôm qua Mận nói với chồng:
- Sớm mai ông trưởng phòng tổ chức y tế huyện cưới vợ cho con trai. Không có mặt không được. Mình là cấp dưới mà để cấp trên lườm nguýt thì đến khi nào mới mọc mũi sủi tăm được. Bây giờ em đi, 8 giờ sáng mai ăn cỗ, cùng lắm là 11 giờ trưa là có mặt ở nhà rồi.
Mười ba giờ chưa thấy vợ về, anh Tông đạp xe sang xã bên hỏi mấy người cùng đi dự đám cưới. Họ đã về từ lâu. Hỏi: “Có gặp chị Mận trên huyện không”. Họ lắc đầu: “Từ lúc đến tới lúc về chẳng nhìn thấy chị Mận đâu. Cứ ngỡ chị ấy không đi”.
Cái tin y sĩ Mận bị mất tích lan nhanh như một luồng gió độc. Ông Hoàng huy động tất cả những ai đủ sức khỏe trong dòng tộc Trần Văn đi tìm kiếm. Họ hăm hở khi ra đi, buồn vời vợi lúc trở về. Một buổi chiều chầm chậm trôi qua mà tin tức về chị Mận vẫn biệt vô âm tín. Cứ như chị Mận chưa hề sinh ra trên cõi đời này.
Đến lúc này mọi người đều tin số phận chị Mận lành ít dữ nhiều. Nhìn vẻ mặt cực kỳ lo lắng âu sầu của anh Tông, ông Hoàng trấn an:
- Anh Tông đừng lo lắng quá mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Biết đâu chị ấy rẽ vào nhà bạn bè trên huyện, mải vui rồi quên báo tin về cho chồng biết
Nói vậy chứ ông thừa biết chị Mận không phải là người ham vui, chơi bời vô tội vạ. Chị là người của làm việc, làm có trách nhiệm. Anh Tông chán nản:
- Nhà cháu bảo dự xong đám cưới lúc tám giờ sẽ về ngay vì buổi chiều còn phải triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân năm tới. Chỉ lo…chỉ lo…
Anh Tông bỏ dở câu nói để buông ra tiếng thở dài não nuột. Đôi mắt anh rớm lệ như sắp khóc. Trong đôi mắt ấy như chứa đựng cả một màn đêm âm u đầy tuyệt vọng.
Ngoài trời sương rơi dày đặc. Ánh trăng sớm nhờ nhờ ma mị. Cô em gái anh Tông chặn lại:
- Phỉ phui cái mồm xui xẻo của anh. Chị ấy khỏe mạnh, minh mẫn. Chắc chắn chị ấy đã rẽ vào nhà bạn. Chị ấy có nhiều bạn trên huyện lắm. Mỗi người chỉ cần giữ lại chục phút cũng mất toi nửa ngày. Có gì đâu mà phải đi tìm
Nói để động viên anh Tông chứ trong lòng tất cả đều nghĩ chị Mận không bị ma giấu thì có khi bị ma dìm c.hết ở một cái ao cái hồ nào đó rồi. Nói đâu xa, chuyện xảy ra hồi đầu năm một vụ ma giấu vẫn còn ám ảnh mọi người dân trong làng. Chiều hôm ấy bà Phán ra thăm lúa lúc trời sâm sẩm ở khu đồng miếu Cô Hương, bỗng nhiên bụng đau quặn lên dữ dội. Nhìn trước nhìn sau không có ai, bà tạt vào sau miếu xả ngay cái chất thải đang khiến bà khó chịu. Tối muộn chồng con không thấy về bèn đốt đuốc đi tìm. Vừa đi vừa gào vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm. Xóm làng rậm rịch suốt đêm. Bà Phán như mất hút vào cánh đồng lúa vừa cấy.
Đến khi mặt trời lên bằng hai con sào người ta mới phát hiện ra bà Phán đang đứng giữa bụi tre gai rậm rạp nhất. Không ai hiểu bà vào đó bằng cách nào. Ông Phán phải nhờ đến lũ trai tráng khỏe mạnh vung dao chặt tre mở lối mới đưa được bà Phán ra. Sợ nhất là đôi mắt bà cứ trừng trừng ngây dại và vô hồn. Toàn thân bà ướt sũng sương đêm, rét run cầm cập. Bụng bà phình to như người có thai năm tháng. Y sĩ Mận cho bà uống mấy viên thuốc xổ. Lát sau bà Phán nôn thốc nôn tháo ra toàn cóc nhái, cua ếch. Tất cả còn sống nguyên, nhảy loi thoi.
Bà Phán tuy được cứu nhưng trở thành cái xác không hồn, hơi thở hắt ra như người sắp c.hết. Người nhà đưa bà lên bệnh viện huyện cấp cứu. Bác sĩ khám rất kỹ rồi trả lời: “Bà ấy hoàn toàn khỏe mạnh. Mấy ông bà nhà quê toàn vẽ chuyện. Động tý là lao lên viện. Về nhà ăn uống tốt vài ngày là khỏi”. Về nhà mỗi người mách một phương pháp chữa trị. Kể cả bùa chú, gọi hồn. Ông Phán làm tất cả nhưng đều vô hiệu. Bà Phán lúc tỉnh lúc mê, nói năng lộn xộn nhưng mọi người cũng hiểu nguyên do. Vậy chẳng phải ma tà quỷ quái thì là cái gì?
Trời sập tối, tất cả các nhóm đi tìm chị Mận đã lục tục trở về. Những cái lắc đầu chán nản kèm theo những tiếng thở dài phân ưu cho đúng với hoàn cảnh của anh Tông. Ông Hoàng bảo:
- Giờ muộn rồi, mọi người về ăn uống qua loa chừng một tiếng sau tập trung tại đây. Khi đi nhớ mang theo đèn pin, đuốc soi. Nhiều khả năng chúng ta phải tìm suốt đêm đấy. Nghe rõ chửa? Chẳng lẽ một con người đang sống bỗng nhiên mất tích mà không hề để lại dấu vết gì sao?
Ông Hoàng như một người chỉ huy sáng suốt và nghiêm khắc. Mọi lời nói của ông đều được chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Kể cả hai ông chú ruột của ông Hoàng. Mọi công to việc lớn của dòng tộc, của từng gia đình đều được ông Hoàng giải quyết trôi chảy. Tính ông quyết đoán nhưng cũng cực kỳ gia trưởng. Tuy mới ngoài 60 tuổi mà ông đã để râu dài ngang ngực nên ông có vẻ già hơn tuổi. Cả họ Trần Văn ai cũng nể sợ. Hầu như ông nói câu gì không ai dám phản đối, dù đúng hay sai. Nghe ông Hoàng nói vậy, mọi người lần lượt ra về mà lòng trăm mối ngổn ngang.
Tiếng gió rít từng cơn trên vòm lá. Tiếng chim cú rúc lên từng nhịp như báo trước một đêm không yên tĩnh. Tiếng khóc ơ hờ của mẹ chồng, mẹ đẻ chị Tông cất lên ai oán thê lương:
- Ới con ơi là con ơi. Đêm nay lạnh giá con ngủ nơi đâu? Ới con ơi là con ơi.
Ông Hoàng gắt lên:
- Đừng làm cho người khác rối ruột. Nó đã c.hết đâu mà các thím khóc?
Giữa lúc mọi người đang chào nhau ra về thì chợt nghe tiếng bước chân gấp gáp chạy thình thịch kèm theo tiếng gọi: “Cụ Trưởng ơi, cháu tìm thấy thím Mận rồi”. Ông Hoàng bật dậy hỏi dồn dập: “Thấy rồi hả? Ở đâu? Còn sống không?”. Người đàn bà trẻ vừa thở hổn hển vì chạy trên đoạn đường quá dài vừa đáp: “Trong…trong miếu Cô Hương, không… không biết…sống…c.hết”.
Miếu Cô Hương thì ông Hoàng chẳng xa lạ gì, nó trống hơ trống hoác. Người đi qua chỉ cần liếc mắt cũng đủ thấy mọi vật bên trong. Tại sao ngần ấy con người qua lại nhiều lần mà không nhìn thấy nhỉ? Ông Hoàng phân công:
- Đàn bà con gái ở nhà động viên hai bà mẹ chị Tông. Còn đàn ông theo tôi ra miếu.
Thế là đoàn người lại rùng rùng theo gót ông Hoàng.
Qua ánh lửa chập chờn mờ ảo, mọi người nhìn thấy chị Mận nằm còng queo trong gầm miếu, chẳng rõ còn sống hay đã c.hết. Con cháu họ Trần Văn mặt mũi tái xanh tái xám đứng nhìn từ xa. Ông Hoàng điên tiết chỉ từng người, quát:
- Thằng này, thằng này, thằng này vào khiêng chị Tông ra. Vào. Ma quỷ ở đâu mà lắm thế. Toàn chuyện tầm bậy tầm bạ. Vào ngay
Cực chẳng đừng, những người bị ông Hoàng chỉ định nhớn nhác tiến vào. Phải khó khăn lắm người ta mới lôi được chị Mận ra khỏi cái gầm miếu chật chội. Người chị mềm nhũn như tàu cải phơi hai nắng, hơi thở khò khè yếu ớt.
Chiều qua chị Mận thuộc diện người “có da có thịt”. Thế mà mới có hơn hai chục tiếng đồng hồ không ăn không uống trông chị tiều tụy đến thảm hại. Mái tóc dài phủ xuống khuôn mặt hốc hác, hai hàm răng trắng bóc của chị như nhô ra phát khiếp. Một người hét to: “May quá, chưa c.hết”. Một người khác thầm thì: “Đúng là ma nó hành rồi”.
Đăng nhận xét