Khi vong trẻ trả thù - Nguyễn Sĩ Đoàn (P.3)


Chuyện vong cô Hương, vong lũ trẻ thường xuyên hiện hình, chuyện ông Bình bị ma vật c.hết, chuyện bà Phán, chị Mận bị ma giấu nhanh chóng lan truyền trong xã và lan sang cả các vùng xung quanh. Các bậc cha mẹ cấm tiệt con cháu không được lai vãng ra gần cây gạo. Mọi phân công của chủ nhiệm hợp tác xã hễ dính dáng đến gần khu vực miếu Cô Hương thì ai cũng lắc đầu quầy quậy: 

- Không nhận đâu. Không nhận làm đâu. Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Chấp nhận ăn đói một chút vậy. Ra đấy để c.hết à?

Có người cho đó là chuyện ngẫu nhiên. Cũng có người tin rằng đó là sự báo ứng theo luật nhân quả. “Linh tại ngã bất linh tại ngã”. Họ tranh luận ở bất cứ nơi nào, từ trong cuộc họp đến ngoài đồng. Nhóm duy tâm mắng te tát nhóm duy vật là kẻ vô thần. Nhóm duy vật mắng lại phía duy tâm là bọn cuồng tín. Vài lần suýt xảy ra ẩu đả. Rất may có người kịp can ngăn. Biết làm sao được khi mà bao nhiêu chuyện xảy ra nhãn tiền mà chưa có sự can thiệp của khoa học một cách sáng tỏ, minh bạch.

Các cấp chính quyền, đoàn thể đau đầu nhức óc. Họ là những người lãnh đạo có tâm. Họ trăn trở đêm ngày vì đời sống của nhân dân còn thấp. Họ luôn sống vì người khác. Rất đúng với câu “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Chuyện ma cô Hương cứ đập vào tai họ mỗi ngày, không thể bịt tai bưng mắt. Tuyên truyền giải thích nào có ai chịu nghe. Người ta cứ ậm ừ, không ra phản đối cũng chẳng ra công nhận. Có trời mới biết trong đầu mọi người nghĩ gì. Mà cứ để mọi người thờ cúng hương khói suốt ngày thì nỗi ám ảnh về ma quái sẽ bám riết lấy tâm trí người dân Đồng Tiến, còn thời gian đâu mà làm việc. Thật bế tắc. Ông trưởng ban văn hóa xã bảo: 

- Toàn việc trời ơi đất hỡi làm lãng phí bao nhiêu thời gian của ủy ban. Ta cứ  thuê một chiếc xe ủi làm một phát băng đi cả cây gạo lẫn cái miếu để xem những bóng ma ấy trú ẩn vào đâu

Người ủng hộ, kẻ lắc đầu lè lưỡi. Mặc. Ông ta cứ làm. 

Trước ngày thi công san ủi mấy ngày, chị Hân, vợ người lái máy ủi, nằm mơ thấy một thiếu phụ dắt mấy đứa con nhỏ đến nói với chị: 

- Này, ta bảo cho nhà người biết, nếu chồng mi phá nhà ta sẽ phải nhận hậu quả thảm khốc đấy

Sáng ra chị kể lại với chồng. Anh Hân gạt đi:

- Em cứ lo hão. Thời nay làm gì có ma quỷ

Nhưng ba đêm liền chị Hân đều mơ cùng một giấc mơ, cùng một câu nói như thế. Chị ra sức ngăn cản chồng. Đến ngày hẹn, anh Hân lên xe nổ máy. Chị Hân nằm lăn ra trước đầu xe ủi và nói với chồng: 

- Anh muốn đi thì cứ đè qua xác tôi. Để tôi khỏi phải chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, chồng con c.hết thảm trong đớn đau

Dù là người có đạo nhưng trước hiện tượng không thể phủ nhận anh Hân cũng có đôi chút đắn đo. Vợ chồng anh sửa một cái lễ nhờ ông Quản ra miếu Cô Hương xin phép. Đất có thổ công, sông có hà bá. Đêm ấy ông Quản áo mũ chỉnh tề nghiêm trang làm lễ: 

- Vì miếng cơm manh áo mà anh Hân phải làm, mong các vong hồn đại xá

Thật lạ kỳ, nắm hương ông Quản vừa thắp lên chỉ cháy được chút ít là tắt ngấm, đốt thế nào cũng không chịu cháy tiếp. Ông Quản tung hai đồng xu xin âm dương, ba lần đều không được như ý. Ông Quản bảo: 

- Tôi đã cố gắng hết sức nhưng các vong không đồng ý. Đành chịu thôi anh ạ

 Nói xong ông thở dài thu dọn đồ nghề ra về. Anh Hân phải ra ủy ban xin hủy hợp đồng. 

Ông chủ tịch xã băn khoăn lắm. Cha ông ta xưa từng nói “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” chắc chắn phải có lý do của nó chứ. Ông từng biết ở tỉnh nọ khi mở đường giao thông gặp phải một cây đa cổ thụ mấy trăm năm nằm chình ình giữa tâm đường. Đơn vị thi công nhiều lần cho xe ủi đến kéo đổ. Nhưng lần nào cũng vậy, hễ xe đến gần đều bị c.hết máy, không sao khởi động lại được. Chỉ đến khi cho xe khác vào lôi ra thì lại hoạt động bình thường. Đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư khiếp đảm. Thành ra con đường mở gần đến cây đa phải chia làm hai, phần giữa nhường chỗ cho cây đa. 

Ông chủ tịch không mê tín nhưng cũng không đủ can đảm xem thường chuyện tâm linh. Ông gọi trưởng thôn lên căn dặn: 

- Tuy là chuyện tâm linh nhưng vẫn phải tiến hành một cách khoa học và chu đáo. Nếu không khéo sẽ trở thành xem thường báng bổ thần linh thì hậu quả khôn lường. Chuyện của thôn ông thì ông phải có trách nhiệm tháo gỡ. Ủy ban sẽ hỗ trợ ông hết mình

Ông trưởng thôn tròn mắt ngạc nhiên. Đã là chuyện tâm linh lẽ dĩ nhiên phải làm lễ cúng bái trừ ma, trừ quỷ lại còn bày đặt phải khoa học, phải minh mạch. Rõ là mâu thuẫn. Nghĩ là như vậy nhưng ngoài miệng ông vẫn phải vâng dạ. 

Chị Mận tuy thoát c.hết nhưng còn khổ hơn c.hết. Ngày đêm mê mê tỉnh tỉnh. Những lúc mê chị tự cào cấu thân mình, tự xé quần xé áo gào thét từng hồi ghê rợn. Khiến bất kỳ ai nghe thấy cũng phải rùng mình sởn gáy nổi hết da gà. Những lúc tỉnh táo bên tai chị luôn vẳng tiếng trẻ khóc thê lương ma mị. Chị nằm trong buồng thì tiếng khóc vang lên từ phòng khách. Khi chị ra phòng khách thì tiếng khóc lại vang lên từ trong buồng ngủ. Một tối có cảm giác như có ai nhìn mình từ phía sau, chị quay phắt lại. Trước mắt chị hiện ra một thiếu phụ mặc toàn đồ trắng, tay phải bế một đứa trẻ sơ sinh, tay trái dắt mấy đứa trẻ trần truồng. Cái nhân ảnh ấy nghiêng nghiêng mái đầu hỏi: 

- Chị Mận còn nhớ em chứ? Hương đây. Cái Hương chửa hoang của chị đây

Chị Mận không còn đủ bình tĩnh để phân biệt là mơ hay thật. Hơi lạnh từ các thây ma tỏa ra thấm vào tận xương tủy khiến chị như bị ngâm vào thùng nước đá. Đầu chị đau buốt. Chị lao vào buồng kéo chăn trùm kín. Chị hốt hoảng đến bạt vía kinh hồn khi phát hiện từ trong chăn một cái đầu ngoi lên nhe cái miệng đỏ lòm. Chị hét lên: “Chúng mày muốn gì?”. Lũ trẻ đồng thanh: “Hãy trả mạng cho ta. Hãy trả mạng cho ta”. “Tao không có lỗi. Cha mẹ chúng mày yêu cầu tao mới làm chứ”. Lũ trẻ nói: “Đành rằng như vậy, nhưng bà lại mang thân xác chúng tôi nấu chín để nuôi lợn. Nghĩa là bà g.iết chúng tôi tới hai lần. Hãy trả mạng cho chúng tôi”. Nói rồi lũ trẻ xông vào cắn xé chị Mận. 

Chị Mận hoàn toàn thụ động, chân tay cào cấu vào chiếc chăn. Chị thét lên: 

- Ma…ma…Cứu em với…anh ơi

Anh Tông choàng tỉnh. Những bóng ma thoắt biến vào màn đêm. Nhìn người vợ mềm nhũn, anh Tông hiểu cơn ác mộng đã khiến vợ anh mang nỗi sợ tột cùng. Anh thương vợ lắm nhưng quả thật không biết phải làm thế nào. Suy đi tính lại anh quyết định sang xin ý kiến ông Hoàng.

Nghe anh Tông trình bày, ông Hoàng bảo: 

- Ngày thằng Bo nhà anh mất, cụ Quản có hứa với tôi tìm hộ thầy pháp về trừ lũ ma này. Chẳng rõ cụ ấy còn nhớ tới lời hứa ấy không. Tôi ngại cụ ấy phật ý nên không dám giục. Giờ công việc khẩn cấp lắm rồi, phải sang cầu cứu thôi

Nói xong hai bác cháu ông Hoàng tất tả đến ngay nhà ông Quản. 

Sau một tuần trà, ông Hoàng chậm rãi nói: 

- Thưa cụ. Rất mong cụ cứu cho. Con cháu họ Trần Văn chúng tôi biết ơn cụ nhiều lắm lắm

Ông Quản bảo: 

- Tôi nhiều việc quá nên quên khuấy đi mất. Thành thật xin lỗi cụ. Rất mong được cụ lượng thứ

 Nói rồi ông quay sang bảo anh Tông: 

- Tôi sẽ viết một lá thư phiền anh mang giúp lên tỉnh. Cụ và anh Tông yên tâm, nhận được thư này nhất định người ấy sẽ về. Giờ hai bác cháu ngồi xơi nước, tôi tranh thủ viết mấy chữ gửi cho chú ấy

Cầm lá thư ông Quản viết, anh Tông đọc dòng chữ ngoài bì: 

- Thân gửi chú Huấn, bác sĩ khoa tâm thần, bệnh viện đa khoa tỉnh

Thì ra toàn người quen biết cả. Anh Tông thở phào nhẹ nhõm.

Đúng hẹn, ông Huấn có mặt tại Đồng Tiến. Bỏ qua mọi thủ tục đón tiếp thông thường, ông Huấn đề nghị dẫn ngay ra miếu Cô Hương. Ông yêu cầu chặn hai đầu đường lại. Chắc ông sợ mọi người đi lại sẽ ảnh hưởng đến công việc. Phía ủy ban ủng hộ ngay bởi họ cũng lo dân làng đến xem sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ám ảnh đến tinh thần. 

Xong xuôi ông Huấn rút từ trong cái túi vải ra một cái gương. Ông đứng từ xa nghiêng cái gương qua lại liên tục, lựa phản chiếu của ánh sáng mặt trời soi vào trong miếu. Đoạn ông lấy tiếp ra một vật không biết làm từ chất liệu gì hình ống dài hơn hai chục phân, đường kính chừng năm sáu phân có lỗ hình vuông ở giữa, rất giống với cái ống nhòm thời cổ. Ông giơ cái ống ấy lên nheo mắt nhìn qua cái lỗ hình vuông. Ánh sáng phản chiếu từ cái gương soi đến đâu ông đưa mắt theo đến đó. Vừa làm ông vừa nói: 

- Đúng là trong miếu có một vong nữ. Vong này đang ngồi tựa lưng ở góc miếu. Giữa nền miếu có năm, bẩy vong hài nhi nằm lăn lóc. Chắc chúng đang ngủ

Ông Hoàng, anh Tông tròn mắt kinh sợ. Không biết bằng cách nào mà ông Huấn có thể nhìn thấy vong cô Hương và lũ trẻ con. Ông Quản gật nhẹ đầu ra chiều biết rồi. Ông Huấn nói tiếp: “Những vong khác nhìn thấy tôi đều khép nép sợ hãi. Thế mà vong này lại nhìn tôi với vẻ mặt dữ tợn. Chắc không dễ dàng hàng phục được nó. Nhưng các cụ cứ để tôi làm thử xem sao”. Ông Quản bảo: 

- Không nhất thiết phải đuổi chúng đi nơi khác, chỉ cần chúng hứa sống hòa thuận đừng gây tai ương cho dân làng thì dân làng sẽ quanh năm hương khói cẩn thận

Ông Hoàng nói thêm: 

- Cụ Quản nói rất hợp với ý nguyện của chúng tôi. Mong thầy hết sức giúp đỡ

Ông Huấn bảo: 

- Phiền cụ tìm cho một cô gái bằng tuổi với vong nữ lúc c.hết. Nghĩa là đủ 18 tuổi

Ông Quản bấm ngón tay rồi bảo anh Tông: 

- Anh chạy về xóm Cuối gọi con Mầu ra ngay, nói rằng tôi bảo thế

Chục phút sau cô Mầu có mặt. Ông Huấn bảo cô Mầu nhắm mắt ngồi xếp bằng tròn ngay cửa miếu. Ông trùm kín đầu cô một vuông khăn mầu đỏ. Chuẩn bị xong, ông đốt hương và đi xung quanh cô Mầu mấy vòng. Một tay ông cầm chiếc chuông bằng đồng nhỏ, một tay ông đặt lên đỉnh đầu cô Mầu, miệng lẩm nhẩm khấn. Lời khấn của ông đơn giản chứ không cầu kỳ phức tạp như ông Quản: 

- Hỡi vong hồn cô Lê Thị Hương. Hỡi các vong hài nhi khuất mặt khuất mày đang trú ngụ trong miếu. Có oan ức gì hãy nhập vào người ngồi trước miếu và nói ta nghe. Ta sẽ tận tình giúp đỡ cho toại nguyện

Nói xong ông Huấn rung nhẹ quả chuông cầm tay. 

Quả chuông tuy nhỏ nhưng tiếng vang của nó khá xa. Người làng đứng ở khoảng cách ba chục mét vẫn còn nghe thấy. Phải lúc sau mới thấy người cô Mầu lắc lư. Ông Quản nói nhỏ: “Vong đã nhập”. Bỗng cô Mầu hất tung vuông vải đỏ, mắt trợn ngược nhìn ông Huấn. Bằng một giọng nói nhẹ nhàng ngọt như tẩm mật, ông Huấn dỗ dành: 

- Tôi biết cô là ai rồi. Tôi cam kết không làm hại cô cùng lũ trẻ. Có nỗi niềm gì oan khuất xin cô cứ nói, xin cô cứ nói”

Đúng như người xưa nói: “Dỗ như dỗ vong”, ông Huấn cứ liên tục lặp lại nhiều lần câu nói đó. Nhưng cô Mầu vẫn ngồi im như pho tượng. Năm phút sau cô Mầu rùng mình một cái rất mạnh rồi ngã vật ra đất, người lả đi, hơi thở hổn hển. Ông Huấn nói với ông Quản, ông Hoàng: “Vong chưa chịu nói hai cụ ạ. Để cô Mầu nghỉ ngơi một lúc cho lại sức, tôi sẽ làm lại lần nữa”. 

Ông Hoàng, anh Tông có thể không biết chứ ông Quản thì quá quen thuộc với chuyện áp vong này, chẳng qua pháp thuật của ông chưa cao mà các vong lại sắp thành ngạ quỷ nên ông không dám động thủ. Ngay người cho vong nhập vào cơ thể cũng rất mỏi mệt. Gấp cả chục lần đào thùng đấu. Chờ cô Mầu hoàn toàn trở lại bình thường, ông Huấn lại tiếp tục công việc. 

Lần này vong cô Hương nhập ngay nhưng vẫn im lặng không chịu lên tiếng. Mắt cô Mầu trợn ngược nhìn ông Huấn đầy uất hận. Lập tức ông Huấn dán ngay một đạo bùa lên trán cô Mầu nhằm không để vong cô Hương tự do đi về như lần trước nữa. Ông Huấn đi lại thầm thì: “Hãy nghe lời khuyên nhủ của ta, hỡi cháu Lê Thị Hương. Ta sẽ hết lòng giúp đỡ. Hãy nói đi cháu gái của ta”. 

Thêm vài phút nữa trôi qua vong cô Hương vẫn im lặng. Ông Huẩn bảo: 

- Ta đã cạn lời khuyên nhủ nhưng tà tâm của vong cứ ôm mãi hận thù, không chịu cải tà quy chính. Vậy nếu có điều gì tệ hại xảy ra thì không phải lỗi tại ta. Cô Lê Thị Hương nghe rõ lời ta nói chứ?

Nói xong ông chồng hai bàn tay đặt lên đỉnh đầu cô Mầu. Một phút, hai phút rồi ba phút. Mọi vật như ngừng lại. Không gian như đông cứng. Có thể nghe rõ cả tiếng đập của trái tim trong lồng ngực. Từ đỉnh đầu cô Mầu bay lên một sợi khói đen mỏng mảnh kèm theo tiếng gầm gừ phát ra như một con hổ dữ. Bất chợt cô Mầu thét lên: 

- Ối cha mẹ ơi đau quá, đau quá. Cút đi, cút đi

Rồi cô chọc thẳng hai bàn tay vào mắt ông Huấn. Ông Huấn hơi nghiêng đầu tránh mười ngón tay sắc nhọn và vội cầm ngay cái chuông bên cạnh rung lên rất mạnh. Cả thân người cô Mầu run lên bần bật rồi ngã lăn ra đất quằn quại, hai hàm răng nghiến vào nhau kèn kẹt.

Giữa lúc đó tiếng em gái anh Tông đứng từ nơi rào chắn hét to: “Anh Tông ơi về ngay, chị ấy tự tử rồi”. Ông Hoàng, anh Tông bỏ lễ áp vong ba chân bốn cẳng chạy về. Nhưng không kịp nữa rồi. Chị Mận đã c.hết được hơn nửa giờ đồng hồ.

Ông Huấn cũng thôi rung chuông. Ông nhẹ nhàng nâng cô Mầu ngồi dậy ngay ngắn. Người cô Mầu lạnh toát như một tảng băng. Ông Huấn giận dữ bảo: 

- Cháu đã hả lòng chưa? Cháu tàn nhẫn lắm. Chị Mận không đáng phải chịu trả thù như thế

.- Vong cô Hương thở dài: “Không phải cháu, chắc lũ trẻ làm thôi”. 

Điều này ông Huấn tin  vong cô Hương nói thật. Bởi vong cô hiện vẫn đang nhập vào thân xác cô Mầu. 

Biết oán thù trong lòng vong Hương đã có phần dịu xuống, giọng ông Huấn trở lại ngọt ngào: 

- Cháu và lũ trẻ vì tham, sân, si mà gây bao tội lỗi. Những nạn nhân ấy cũng là trong họ ngoài làng của cháu cả. Đừng làm hại họ nữa. Ta sẽ gửi các con vào chùa ngày đêm tu tỉnh xa lìa tội ác oán cừu, cho tấm thân nhẹ nhàng. Để vong hồn các con không bị đọa địa ngục. Hãy khởi niệm từ bi, tin sâu Tam Bảo, hồn về cõi Phật an vui. Ta nói bấy nhiêu mong các con hiểu lòng ta

Vong cô Hương cúi đầu nói nhỏ: “Con xin nghe lời chú”. Ông Huấn giơ lên cái bình sứ nhỏ hình quả bầu, hô to: “Nhập. Nhập. Nhập”. Từng làn khói đen lần lượt chui vào cái bình. Ông Huấn lập tức đậy nắp bình lại và dán lên đó một đạo bùa. 

Ông Huấn trao cái bình cho ông Quản, dặn: 

- Anh mang về chùa làng để các vong linh quanh năm được nghe kinh hồi hướng, để được hưởng đồ tế lễ của dân làng và cũng để linh hồn các cháu mau được siêu sinh tịnh độ. Nhớ dặn mọi người đừng bao giờ mở nắp

Một tuần sau, cái miếu Cô Hương được ủy ban cho xe ủi san phẳng, còn cây gạo thì giữ lại. Lần này Ông Quản xin phép Thổ Công Thổ Địa một lần được ngay. Từ đó làng Đồng Tiến trở nên thanh bình yên ả. Người với người sống vị tha và yêu thương nhau. Thì ra cuộc sống có nhiều sự việc không đơn giản cứ muốn là được.

Đọc thêm: 

Khi vong trẻ trả thù - Nguyễn Sĩ Đoàn (P.1) 

Khi vong trẻ trả thù - Nguyễn Sĩ Đoàn (P.2)

             .

Đăng nhận xét

Post a Comment (0)

Mới hơn Cũ hơn

ads1